TẦM SOÁT UNG THƯ CỔ TỬ CUNG: PHƯƠNG PHÁP VÀ QUY TRÌNH SÀNG LỌC

Xét nghiệm Pap Smear (hay còn gọi là xét nghiệm Pap, xét nghiệm phết tế bào ung thư cổ tử cung) là xét nghiệm tế bào học nhằm xác định những tế bào bất thường ở cổ tử cung gây ra bởi virus HPV (Human Papilloma Virus).
Phương pháp này thực hiện thu thập và phân tích tế bào ở cổ tử cung, phát hiện sớm ung thư trước khi các khối u lây lan rộng. Bên cạnh đó, xét nghiệm Pap Smear còn phát hiện bất thường ở cấu trúc và hoạt động của các tế bào cổ tử cung, phát hiện nguy cơ mắc bệnh từ sớm.
Theo khuyến cáo của Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ, việc thực hiện xét nghiệm Pap Smear tầm soát ung thư cổ tử cung được chỉ định cụ thể ở từng độ tuổi như sau:

  • Dưới 21 tuổi: Không cần làm xét nghiệm.
  • Từ 21 – 29 tuổi: Nên thực hiện định kỳ 3 năm/lần.
  • Từ 30 – 65 tuổi: Trường hợp âm tính với HPV thì nên thực hiện định kỳ 3 năm/lần hoặc kết hợp Pap Smear và HPV 5 năm/lần. Trường hợp dương tính với HPV thì nên thực hiện cùng lúc Pap Smear và HPV định kỳ hàng năm.
  • Trên 65 tuổi: Xét nghiệm không còn cần thiết, đặc biệt là các xét nghiệm trong vòng 10 năm trở lại đều cho kết quả âm tính.

Xét nghiệm Thinprep là xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung được cải tiến so với xét nghiệm Pap Smear. Với xét nghiệm này, sau khi thu thập được, các tế bào ở cổ tử cung sẽ được rửa toàn bộ vào một chất lỏng định hình trong một lọ Thinprep, sau đó được chuyển đến phòng thí nghiệm để xử lý bằng máy Thinprep làm tiêu bản hoàn toàn tự động.


Xét nghiệm HPV DNA sử dụng hệ thống máy tách chiết DNA tự động và công nghệ hiện đại nhằm phân tích, xác định chính xác sự hiện diện virus HPV – nguyên nhân hàng đầu dẫn đến căn bệnh ung thư cổ tử cung ở phụ nữ.

Phương pháp xét nghiệm này không khẳng định 100% phụ nữ có mắc ung thư cổ tử cung hay không, nhưng dựa vào kết quả thu được có thể phát hiện được virus gây bệnh đang tồn tại trong cơ thể, nhờ đó đánh giá được nguy cơ mắc bệnh trong tương lai, có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu.

Phác đồ sàng lọc ung thư cổ tử cung bằng xét nghiệm HPV DNA được chỉ định như sau:

  • Dưới 30 tuổi: Chưa thực hiện xét nghiệm này.
  • Từ 30 – 65 tuổi: Kết hợp thực hiện HPV và Thinprep hoặc Pap Smear định kỳ 5 năm/lần nếu kết quả HPV âm tính. Và kết hợp thực hiện HPV và Thinprep hoặc Pap Smear hàng năm nếu kết quả HPV dương tính.
  • Trên 65 tuổi: Không cần thiết.

Những lưu ý quan trọng khi thực hiện xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung:

Để việc tầm soát ung thư cổ tử cung cho kết quả chính xác, phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ, phụ nữ cần ghi nhớ những lưu ý cực kỳ quan trọng trước khi thực hiện các xét nghiệm, gồm:

  1. Không sử dụng kem bôi trơn âm đạo trong vòng 24 giờ trước khi làm xét nghiệm.
      Không thực hiện tầm soát trong những ngày kinh nguyệt vì có thể ảnh hưởng đến chất lượng mẫu thu thập được. Thời điểm thích hợp nhất để tầm soát là khoảng 10 – 14 ngày sau khi kết thúc kỳ kinh nguyệt.
  2. Không làm xét nghiệm trong vòng 24 – 28 giờ sau quan hệ tình dục.
  3. Không thụt rửa âm đạo, tác động đến vùng âm đạo trong vòng 2 – 3 ngày trước khi làm xét nghiệm.
  4. Cần thông báo ngay với bác sĩ chỉ định xét nghiệm nếu có đang đặt thuốc hoặc đang trong quá trình điều trị viêm nhiễm phụ khoa.
  5. Kết quả sàng lọc ung thư cổ tử cung có thể dương tính hoặc âm tính, trong một số ít trường hợp có thể xảy ra dương tính giả hoặc âm tính giả. Nếu kết quả dương tính, khách hàng cần bình tĩnh và tham khảo ý kiến, tư vấn của bác sĩ để thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu, chẩn đoán chính xác nguy cơ cũng như mức độ ung thư cổ tử cung.

(Nguồn: Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê, Bác sĩ cao cấp khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hà Nội.)

Tin tức liên quan
Những xét nghiệm hormon nào cần được làm với các bệnh nhân vô sinh? Đối với bệnh nhân...